Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,23 tỷ USD (01-10-2024)

Ngày 01/10, tại Hà Nội, Cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị giao ban Khối Thủy sản tháng 10 để đề ra các giải pháp trọng tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra cả năm 2024.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,23 tỷ USD

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Viện, trường nghiên cứu cùng với các Hội, hiệp hội trong lĩnh vực Thủy sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến đã chủ trì và chỉ đạo hội nghị

Theo báo cáo về tình hình sản xuất tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024 của Cục Thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 9 ước đạt 882,3 ngàn tấn, đưa lũy kế tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 6.972,4 ngàn tấn tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 76% kế hoạch năm 2024.

Trong đó, sản lượng khai thác tháng 9 ước đạt 372,9 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng thủy sản khai thác lũy kế 9 tháng đầu năm ước đạt 3.016,5 ngàn tấn tăng 0,9% so với cùng kỳ 2023, đạt 85% kế hoạch năm 2024.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 509,4 ngàn, lũy kế ước đạt 3.995,9 ngàn tấn tăng 4,0% so với cùng kỳ 2023, đạt 70% kế hoạch năm 2024.

Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,23 tỷ USD, đạt 76,1 % kế hoạch năm 2024. Dự kiến cả năm 2024 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra (9,5 tỷ USD).

Mặc dù, đã đạt một số những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng ngành thủy sản đã gặp không ít những thách thức trong thời gian tới liên quan đến các rào cản thương mại, việc Liên minh Châu Âu đang tiến hành thanh tra về nuôi trông thủy sản, An toàn thực phẩm, một số vướng mắc về quy định liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc thủy sản, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (Ec) vẫn chưa được tháo gỡ…Đặc biệt, ngành thủy sản là một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơ bão số 3 vừa qua về nuôi trồng thủy sản cũng lĩnh vực khai thác và sự khôi phục sản xuất sau bão gặp rất nhiều khó khăn.

Theo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 30.137 ha (trong đó: Diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại 9.474,03 ha, thuỷ sản nước ngọt bị ảnh hưởng do ngập lụt 15.994 ha; diện tích nuôi nhuyễn thể và thủy sản khác là 7.990,20 ha; số lồng bè bị thiệt hại khoảng 14.245,0 ô lồng, (khoảng 673.620,0  m3 lồng) (trong đó: số ô lồng nước ngọt khoảng  1.914,0 ô lồng và ô lồng nước mặn  12.331,0 ô lồng). Thiệt hại nuôi cá nước lạnh tại một số tỉnh như Lào Cai: 101,73 tấn cá hồi, cá tầm (huyện Bát Xát 21,8 tấn; thị xã Sa Pa 79,93 tấn); tại tỉnh Yên Bái: 400m2 nuôi cá tầm bị lũ cuốn trôi, 1 lồng cá tầm thương phẩm khoảng 7,2 tấn và 2000 con cá giống và khoảng 15 tấn cá hồi ở Huyện Mùng Căng Chải bị chết do mưa nước đục; khoảng 400kg cá hồi bị tràn bờ ở Sơn La. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng 6.180,254 tỷ đồng.

Về lĩnh vực khai thác, thiệt hại về tàu cá là khoảng 71 tàu cá của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Hòa Bình. Trong đó, Quảng Ninh thiệt hại nhiều nhất với 41 tàu cá các loại với giá trị thiệt hải khoảng 12,6 tỷ đồng. Ước thiệt hại về tàu cá khoảng 20,72 tỷ đồng.

Trước những thiệt hại nặng nề của người dân, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu các văn bản, các chính sách để khôi phục sản xuất giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và tái sản xuất. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủ sản, Cục Thủy sản đã tham mưu Bộ 02 văn bản gửi các tỉnh phía Bắc về việc khẩn trương tổ chức các giải pháp khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3:

Bên cạnh đó, công tác vận động hỗ trợ, quyên góp từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng về  vật tư, con giống,…cùng với sự vào cuộc kịp thời hỗ trợ của Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi hỗ trợ tiền và vật chất như: hỗ trợ vật liệu làm lồng, bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho người dân bị thiệt hại nhằm khôi phục sản xuất: Cục Thủy sản liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp để cung ứng hoặc hỗ trợ.

 Hỗ trợ quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản: Cục Thủy sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Nghiên cứu Hải sản hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng.

Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ bà con sản xuất và tái sản xuất. Thời gian tới, tiếp tục theo dõi thời tiết để cảnh báo ngư dân, tập trung tổ chức khôi phục sản xuất sau bão để bà con ra khơi bám biển. Và Cục Thủy sản đã ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức đánh giá nhu cầu và khả năng cung ứng giống thủy sản, khôi phục sản xuất thủy sản sau thiên tai do bão số.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản đã đạt một số kết quả tích cực trong 9 tháng vừa qua, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và nhận định nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như vừa qua sẽ hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra trong cả năm.

Về khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thủy sản và các đơn vị khẩn trương rà soát về nhu cầu con giống, vật tư, điều kiện sản xuất để khôi phục sản xuất đề bù đắp những thiếu hụt trong những tháng cuối năm giúp người dân ổn định đời sống. Cùng với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân thiệt hại khôi phục sản xuất một cách kịp thời và hiệu quả nhất. Tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân, các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư sản xuất hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân tiếp tục tái sản xuất một cách nhanh nhất. Đối với các tỉnh/thành phố không chịu ảnh hưởng của cơn bão cần phải tăng tốc hơn nữa đề bù đắp cho các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng.

Các đơn vị nghiên cứu tiến hành nghiên cứu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về lồng bè, phao nổi nuôi trồng thủy sản để có căn cứ triển khai ban hành chung đảm bảo an toàn và giảm thiểu các thiệt hại khi có mưa bão xảy ra.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn thiện các chính sách, các vướng mắc trong các quy định liên quan đến nguyên liệu, tiếp tục theo dõi sát diến biến của tình hình dịch bệnh để kiểm soát dịch bệnh.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết và tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả.

Tăng cường công tác quản lý và giám sát đội tàu khai thác, quản lý giám sát hành trình tàu cá, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tham gia các Đoàn kiểm tra công tác chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị Thẻ vàng của EC tại các địa phương.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác